Bình Dương thu hút nhiều dự án FDI lớn vào lĩnh vực bất động sản
Trong thời gian qua, cùng với việc đầu tư đẩy nhanh quá trình sản xuất công nghiệp, Bình Dương còn thu hút nhiều dự án của doanh nghiệp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) để đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị Mỹ Phước. Dưới góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, ngoài môi trường thuận lợi thì lợi thế và tiềm năng của Bình Dương, nhất là sự tăng tốc hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020, đã thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào lĩnh vực này...
Một góc Khu đô thị sinh thái EcoLakes Mỹ Phước có vốn đầu tư của tập đoàn BĐS hàng đầu Malaysia |
Dự án mang tính đột phá trong lĩnh vực BĐS năm 2012 là Khu đô thị Tokyu Bình Dương (Tokyu Binh Duong Garden City) vừa được khởi công xây dựng tại Thành phố mới Bình Dương vào đầu tháng 3 vừa qua. Dự án do Công ty TNHH Becamex Tokyu (liên doanh giữa Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp- TNHH MTV Becamex IDC và Tập đoàn Tokyu của Nhật Bản) đầu tư. Với tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD, Khu đô thị Tokyu Bình Dương được xây dựng trên diện tích gần 71,5 ha bao gồm khoảng 7.500 căn hộ, nhà ở, các cơ sở giải trí, thương mại, văn phòng... Đây được xem là dự án khu đô thị lớn nhất tại tỉnh và là dự án có vốn đầu tư nước ngoài tham gia lớn nhất trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm hiện nay. Điểm đặc biệt của dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương là xây dựng một hạ tầng dịch vụ tốt nhất để giúp cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận môi trường mới. Theo chủ đầu tư, dự án còn góp phần xây dựng một trung tâm thành phố đẹp trong tương lai không chỉ về cảnh quan, những tiện ích phục vụ cuộc sống mà còn định hình ra một phong cách, một nét văn hóa sống theo đẳng cấp hiện đại và phát triển bền vững.
Trước dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương, nhìn nhận tiềm năng của thị trường BĐS tại Bình Dương và đầu tư sớm vào lĩnh vực này là một doanh nghiệp đến từ Malaysia với dự án Khu đô thị sinh thái EcoLakes Mỹ Phước (thị trấn Mỹ Phước). Dự án có quy mô lên đến 226 ha với tổng vốn đầu tư hơn 620 triệu USD do Công ty Cổ phần SetiaBecamex (liên doanh giữa SP Setia Berhad, nhà phát triển BĐS hàng đầu Malaysia với Becamex IDC), được khởi công xây dựng năm 2007. Đây được xem là dự án khởi đầu tốt đẹp cho nguồn vốn FDI đầu tư phát triển BĐS tại tỉnh nhà. Từ cuối năm 2010 đến nay, chủ đầu tư EcoLakes Mỹ Phước đã bàn giao nhiều căn nhà cho khách hàng vào ở, bước đầu đáp ứng nhu cầu nhà ở của nhiều thành phần kinh tế và tạo bộ mặt đô thị khang trang cho địa phương.
Sau dự án tại Mỹ Phước, Công ty TNHH MTV Setia Lái Thiêu, thành viên của Tập đoàn SP Setia (Malaysia) đã triển khai dự án Khu đô thị mới EcoXuân tại TX.Thuận An với tổng vốn đầu tư lên đến 177 triệu USD. Dự án này là độc quyền đầu tiên của SP Setia tại Việt Nam và được quy hoạch như một thành phố nhỏ với quy mô 10,8 ha, gồm: Nhà phố liên kế, biệt thự song lập, đơn lập, chung cư cao tầng... cùng các tiện ích như nhà sinh hoạt cộng đồng, trung tâm bán lẻ và cửa hàng mua sắm, trung tâm giải trí, sân chơi nước dành cho trẻ em...
Ngoài các dự án trên, một số dự án BĐS có vốn FDI tại Bình Dương cũng có vốn đầu tư khá lớn. Cụ thể như dự án Khu đô thị The Canary tọa lạc trước KCN VSIP 1, TX.Thuận An do Công
ty TNHH BĐS Guocoland (Singapore) đầu tư khoảng 200 triệu USD. Dự án có quy mô 17,5 ha với tổng số căn hộ khoảng 1.200 căn, cùng với các công trình công cộng dịch vụ khác như khu shoping mall khoảng 82.000m2, khách sạn 4 sao, trường học quốc tế... Đến nay, dự án được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trước năm 2015 như dự kiến. Ngoài các dự án của các tập đoàn đến từ Nhật Bản, Malaysia, Singapore; một nhà đầu tư lớn đến từ Hàn Quốc là Công ty Charm Engineering cũng đã đổ vốn xây dựng dự án Charm Plaza tại TX.Dĩ An. Trên diện tích 362.000m2 trong tổng diện tích 5 ha, Công ty Charm Engineering đã xây dựng khu nhà ở phức hợp Charm Plaza với 6 block nhà, gồm 2.700 căn hộ và các siêu thị, trung tâm thương mại, trường mẫu giáo quốc tế, hồ bơi theo tiêu chuẩn của khu resort... Tổng vốn đầu tư cho dự án này lên đến khoảng 200 triệu USD.
Theo nhận định từ các nhà đầu tư, thành công về kinh tế của tỉnh đã tạo nên nguồn cầu lớn trong lĩnh vực phát triển BĐS. Hơn nữa, Bình Dương có vị thế chiến lược, là cửa ngõ quan trọng kết nối Tây nguyên, miền Tây và các tỉnh Đông Nam bộ; vừa là đô thị vệ tinh, kế cận TP.HCM, trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước; vừa là tỉnh phát triển mạnh hạ tầng đô thị để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới... Chính vì vậy, tiềm năng và lợi thế để Bình Dương được nhiều tập đoàn lớn quan tâm đầu tư vào lĩnh vực BĐS là sự chọn lựa đúng hướng.
Trong tổng số 2.043 dự án FDI tại Bình Dương hiện nay, tuy số lượng dự án đầu tư vào lĩnh vực BĐS là chưa nhiều, nhưng chiếm tỷ lệ vốn khá lớn với trên 2,4 tỷ USD. Một số dự án có vốn đầu tư lớn là Khu đô thị Tokyu Bình Dương (hơn 1,2 tỷ USD); Khu đô thị sinh thái EcoLakes Mỹ Phước (hơn 620 triệu USD); Khu đô thị mới EcoXuân (177 triệu USD); Khu đô thị The Canary (khoảng 200 triệu USD); Charm Plaza (200 triệu USD). Sự tham gia của nguồn vốn FDI vào lĩnh vực BĐS là bước chuyển tích cực trong phát triển đô thị, qua đó góp phần nâng cao bộ mặt đô thị của Bình Dương lên một tầm cao mới.